image banner
Bác sống như trái đất của ta
Bác sống như Trời Đất của ta 

 


Tháng năm tím màu hoa bằng lăng, đỏ trời hoa phượng. Ta lại nhớ ngày sinh nhật Bác, lại nhớ câu thơ “Bác sống như trời đất của ta” khi Tố Hữu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Trời đất của ta” là quê hương đất nước, là xứ sở thân yêu vô cùng tươi đẹp, rộng lớn và vĩnh hằng. Cuộc đời 79 mùa xuân và đời sống của Bác được so với trời đất của ta cho thấy tầm vóc lớn lao và cao cả của Người. Đó là sự nghiệp cách mạng cứu nước, cứu dân, là lí tưởng và đạo đức cách mạng, là tâm hồn trong sáng, thanh cao, thoát khỏi mọi ràng buộc của danh lợi vươn tới cao cả, vô cùng. Là chiến sĩ “Mong manh áo vải, hồn muôn trượng”. Là một lãnh tụ “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son”. Là người con Việt Nam có tên Ái Quốc “ôm cả non sông, mọi kiếp người”.

Khó có chân dung nhân cách và phong cách sống nào của Bác lại được vẽ bằng ngôn từ chuẩn xác do người học trò xuất sắc và thân cận, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu. Không phải chỉ chúng ta cảm nhận như vậy mà biết bao tấm lòng bạn bè quốc tế đến Việt Nam, có may mắn tiếp xúc với Bác cũng đều có tâm trạng xúc động về điều đó.  

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Ai đã từng đến ngôi nhà sàn của Bác ở Hà Nội  đều có thể hình dung và chiêm ngưỡng cuộc sống bình dị, tao nhã, bên nếp nhà sàn, vườn rau, ao cá. Sẽ chẳng ai quên được dáng Bác ung dung, thư thái, với chòm râu bạc, đôi mắt sáng, chiếc áo cánh rộng màu nâu non, khuy ngực không cài, nhẹ nhàng nâng niu từng bông nhài, cành ngâu trước mái nhà tràn nắng vàng, gió xôn xao. Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng nguồn cảm xúc trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại ngay cả cuộc sống đời thường của mình.

Căn nhà sàn mộc mạc, màu gỗ nâu bóng, ẩn sau những lùm cây xanh, hoa nắng đung đưa chan hoà trên con đường sỏi dẫn đến bên cầu thang tao nhã. Rất đỗi đơn sơ, quanh năm phảng phất hương thơm của hoa vườn và lộng gió. Ngôi nhà bên bờ ao, cá nhỏ lao xao quẫy sóng sớm chiều, hàng bụt mọc thẳng tắp nghiêm trang canh cho giấc ngủ của Người.

Ngày nay, ngôi nhà của Bác là địa danh hành hương của hàng triệu đồng bào dân tộc Việt Nam, khắp các miền đất nước, là một điểm đến thăm viếng và tham quan của các đoàn khách quốc tế, các bạn bè năm châu đến Hà Nội. Và dẫu có hạn hẹp thời gian, các vị nguyên thủ các quốc gia đến Hà Nội không thể không dừng chân nơi căn nhà Bác để chiêm ngưỡng nơi có thể thấy một vùng đất, trời Việt Nam, nơi ghi lại tầm vóc vĩ đại của một dân tộc anh hùng, một danh nhân văn hoá của thời đại.

Nhà báo Uyn-phờ-rết Bớc-sét, người Ô-xtrây-li-a từng lăn lộn khắp Việt Nam, khi thăm nhà Bác đã không kìm được thắc mắc mà hỏi Người rằng: “Văn phòng của Chủ tịch ở đâu?”. Câu trả lời của Bác làm ông càng kinh ngạc: “Trời tối thì ngồi ở ngoài hiên, khi nào mưa thì ở trong buồng ngủ”. Xúc động trước sự đơn giản, tiết kiệm của Bác, nhà thơ Cu-ba Phê-lix Ro-đờ-ri-gết đã tả lại: “Người chỉ sử dụng cho mình những gì tối cần thiết, chứ không phải là bất cứ cái gì cần thiết. Chiếc giường, chiếc tủ, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách. Những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc, chỉ có thế thôi, không gì hơn”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống… Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao

Trong suốt cả chặng đường kháng chiến gian khổ, sống kham khổ thiếu thốn, nhưng ngay cả khi về Thủ đô, Bác vẫn sống đơn giản, tiết kiệm. Quần áo của Bác chỉ có vài bộ, may cùng kiểu, sau khi may xong đều nhuộm cùng màu gụ. Khi cổ áo bị sờn, anh em đề nghị thay, Bác bảo: “Cả cái áo chỉ sờn chỗ cổ mà vứt đi thì không được, các chú chịu khó tháo cổ rồi lộn phía trong ra ngoài, may lại vẫn lành như mới ”. Khi về Hà Nội Bác vẫn dùng dép cao su, nhưng đôi dép của Bác dùng đã lâu, sửa lại nhiều lần phải đóng đinh giữ cho quai khỏi tuột. Các đồng chí phục vụ mua cho Bác đôi dép lốp mới nhưng Bác nói: “Khi nào không sửa được hẵng hay, giờ mua đôi khác không cần thiết vì vẫn dùng được. Dân ta còn nghèo, mỗi người kể cả Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm”. 

Nâng niu tất cả chỉ quên mình

Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần tặng lụa cho các cụ phụ lão, tặng chăn, áo cho chiến sỹ, tặng đường sữa cho em thơ, tặng quà cho thương binh... không ai có thể thống kê hết. Trên giường bệnh, Người còn nhắc: “Nhân dịp Quốc khánh nhớ tặng lụa cho các cụ phụ lão, tặng đường sữa cho những bà mẹ sinh hai, sinh ba...”. Người thương yêu, lo lắng, giáo dục, gần gũi với nhân dân với tấm lòng bao la như biển rộng. Cho dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành tình thương yêu và tấm lòng nhân hậu cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày nước nhà giành được độc lập (1946), Bác và đồng chí thư ký đi thăm một gia đình trong một ngõ nhỏ trên phố Sinh Từ, Hà Nội. Đó là nơi ở của một người kéo xe thuê ở tỉnh khác về làm ăn. Do không đủ tiền về quê ăn Tết, lại bị ốm, đang lên cơn sốt, người kéo xe thuê đón giao thừa mà trong phòng ở không có gì. Bác đứng lặng nhìn người kéo xe với tất cả lòng thương cảm. Sau khi thăm hỏi, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau mang thuốc và quà Tết đến chia sẻ, động viên.

Giao thừa Tết Nhân Dần (1962) Bác thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín, người gánh nước thuê ở ngõ 16, Lý Thái Tổ, Hà Nội. Hoàn cảnh của chị rất vất vả, chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi bốn con nhỏ, nên đêm 30 Tết rét buốt mà chị vẫn phải đi gánh nước thuê.

Năm 1967, Không quân của Mỹ đánh phá Hà Nội rất ác liệt. Lúc này Bác vẫn làm việc tại Thủ đô. Mùa hè trời nắng như đổ lửa. Bác thường hỏi bộ đội Phòng không, đêm có được ngủ không? Bộ đội có được tắm không? Có đủ nước uống không? Thương bộ đội phải chịu cái nắng chói chang, Bác đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm từ lương và nhuận bút được 25 nghìn đồng tặng bộ đội Phòng không để mua nước uống giải khát.

Còn nhớ, Ngày Thương binh - Liệt sỹ đầu tiên (27-7-1947) Bác gửi tặng một chiếc áo lót lụa của chị em hội phụ nữ biếu Bác, một tháng lương và tiền một bữa ăn của Bác cùng toàn thể nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.927 đồng (một nghìn chín trăm hai mươi bảy đồng). Lòng nhân ái bao la, Bác nâng niu tất cả chỉ quên mình biểu hiện qua những việc làm cụ thể, mang lợi ích thiết thực cho nhân dân như ăn, ở, mặc, học hành, đi lại, kế sinh nhai. Người chăm lo, tiết kiệm từng hạt cơm, miếng vải vá áo, miếng xà phòng nhỏ cũng là vì lo nghĩ đến đồng bào, đồng chí.

Khi tiếp bạn Lào, gió mùa đông bắc tràn về, Người lấy khăn tặng hai đồng chí quàng khỏi lạnh. Mùa xuân năm 1969, Hội Hữu nghị Việt - Đức vào thăm, ngồi quây quần bên Bác, Bác thăm hỏi từng người. Thấy đồng chí Đo-phơ-ring, Chủ tịch Hội húng hắng ho, Bác cởi chiếc khăn của mình và quàng cho đồng chí, một biểu hiện tình cảm của người cha đối với những đứa con từ phương xa về.

Thiếu một đức không thành người

Sinh thời, Bác chỉ rõ: Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa không thành trời, thiếu một phương không thành đất, thiếu một đức không thành người. Vì vậy dạy người, trước hết là dạy cán bộ điều đầu tiên là phải dạy về đức.  

Năm 1927 Bác viết tác phẩm “Đường cách mệnh” để huấn luyện những người là hạt nhân cách mạng truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Mở đầu tác phẩm Bác nêu rõ tư cách người cách mệnh nổi bật với hai nội dung: giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng ham muốn về vật chất. Điều đầu tiên Bác giảng về đạo đức cách mạng. Bác nhấn mạnh đức là gốc, tài là quan trọng. Theo Bác đức là đạo đức hành động để hoàn thiện nhân cách của mình đồng thời để phục vụ xã hội, vì dân, vì nước, vì những giá trị cao quý của cuộc sống.

Năm 1947 Bác viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Bác viết dung dị dễ hiểu: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Để làm tròn nhiệm vụ ấy, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải sửa đổi lối làm việc, sửa đổi từ tư tưởng, đạo đức đến tác phong; phải tự phê bình và sửa chữa, sửa đổi công tác cán bộ và cách lãnh đạo… Bác nói vậy và làm đúng như thế từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể.

Ngày 15-11-1948 Bác viết bài bệnh tự kiêu, tự ái có đoạn: Mỗi một người và tất cả mọi người chúng ta phải tẩy sạch bệnh tự kiêu, tự ái. Đó là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc. Thang thuốc để chữa bệnh này gồm có 4 vị là: a, thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; b, cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm; c, luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ; d, thực hành đoàn kết. Bác nói và viết bao giờ cũng đơn giản, dễ hiểu.

Khi nói về bệnh quan liêu Bác viết: Có nơi bệnh quan liêu trầm trọng đến nỗi cán bộ vừa phỉnh dân, vừa dọa nạt dân. Bệnh quan liêu, mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc. Vì vậy chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy. Bác còn chỉ rõ cách chữa của bệnh ấy. Đây là một cách rất tế nhị: Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 9-1963, nhân dịp Quốc khánh, Bác đem đến một hộp bút và nói: “Hôm nay tôi xin tặng các vị, các chú mỗi người một cây bút để làm việc”. Bác đưa tận tay từng bộ trưởng, từng ủy viên. Mọi người nhìn lên nắp bút thấy dòng chữ Bác đã khắc “Bút chống quan liêu. 2-9-1963”.

Sự tôn trọng, thương yêu và phát huy quyền làm chủ của người dân đã trở thành nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh, nên dù một công việc khó đến đâu Bác cũng nói và làm cho dân hiểu, dân tin để từ đó dân tự làm và trở thành phong trào cách mạng của quần chúng. Đến làm việc với công nhân, nông dân, bộ đội, tri thức…bao giờ Bác cũng xem xét từ chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ vệ sinh. Bác thường để tâm đến những khía cạnh bình thường nhất bởi đó là những nhu cầu thiết yếu của đời sống. Vì theo Bác: “Với con người không có gì là nhỏ nhặt và tầm thường”.

Chính ý thức tôn kính và phát huy mọi khả năng giá trị của con người mà Bác đã vận động được tất cả mọi người vào công việc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Học tập và làm theo Bác là rèn luyện phẩm hạnh của con người với tứ đức mà Hồ Chí Minh đã khái quát: cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức không thành người. Đạo đức và thực hành đạo đức trở thành tấm gương đạo đức, văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh làm nên sự thanh cao trong phong cách sống của Bác, “như trời đất của ta”.
 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1